Đăng ký môi trường là gì ?

Đối tượng, thủ tục ĐKMT như thế nào?

Giấy phép môi trường (GPMT) là chủ đề đang rất được các chủ dự án, cơ sở; những người làm tư vấn và quản lý môi trường quan tâm trong số các quy định mới của Luật BVMT 2020. Tuy vậy, có các dự án, cơ sở không thuộc đối tượng phải có GPMT mà cần Đăng ký môi trường hoặc là được miễn ĐKMT. Cùng nằm chung mục GPMT, từ Điều 39 đến Điều 49 của Luật BVMT, thủ tục Đăng ký môi trường cũng rất đáng để chúng ta tìm hiểu, thảo luận.

1. Đăng ký môi trường là gì?

Đăng ký môi trường (ĐKMT) là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là dự án đầu tư, cơ sở).

2. Đối tượng phải ĐKMT

Theo quy định tại Điều 49 Luật BVMT năm 2020, đối tượng phải ĐKMT bao gồm:

a) Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có GPMT;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có GPMT.

Điều 39 Luật BVMT 2020 quy định đối tượng phải có GPMT gồm:

“1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

2. Dự án đần tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.”

(Xem thêm phân loại dự án đầu tư tại Điều 28 Luật BVMT 2020)

Như vậy, đối tượng phải ĐKMT đó là:

- Dự án đầu tư có phát sinh chất thải KHÔNG thuộc đối tượng phải có GPMT;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày 01/01/2022 có phát sinh chất thải KHÔNG thuộc đối tượng phải có GPMT.

3. Đối tượng được MIỄN ĐKMT

Khoản 2 Điều 49 Luật BVMT quy định đối tượng được miễn ĐKMT như sau:

“2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được miễn ĐKMT bao gồm:

a) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

b) Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương;

c) Đối tượng khác.”

Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn về đối tượng được MIỄN ĐKMT gồm:

“1. Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật BVMT.

2. Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.

3. Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn ĐKMT quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này.”

Danh mục dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được MIỄN ĐKMT

>>> Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

4. Thẩm quyền ĐKMT

- UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc nhận bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến ĐKMT.

- Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn UBND cấp xã để ĐKMT.

5. Nội dung ĐKMT

Nội dung ĐKMT bao gồm:

a) Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;

b) Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);

c) Loại và khối lượng chất thải phát sinh;

d) Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định;

đ) Cam kết thực hiện công tác BVMT.

Trong quá trình hoạt động, nếu dự án đầu tư, cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm ĐKMT lại trước khi thực hiện các thay đổi đó.

Trường hợp việc thay đổi quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc phải có GPMT, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và GPMT theo quy định của Luật này.

6. Thời điểm ĐKMT

Thời điểm ĐKMT được quy định như sau:

a) Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 Luật BVMT và thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải ĐKMT trước khi vận hành chính thức;

b) Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải ĐKMT trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (GPXD) đối với trường hợp phải có GPXD theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có GPXD dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải ĐKMT trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Mẫu văn bản ĐKMT của chủ dự án đầu tư, cơ sở

>>> Mẫu số 47 Phụ lục II ban hành tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT