Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm bồi thường đối với bên mua bảo hiểm với việc chi trả cho hoạt động khôi phục khi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm đất, nước, không khí và thiệt hại về đa dạng sinh học.

Và đây cũng là bảo hiểm cho những tổn thất phát sinh do tình trạng ô nhiễm từ những địa điểm mà người được bảo hiểm sở hữu hay hoạt động sản xuất kinh doanh. Bảo hiểm môi trường còn là công cụ linh hoạt, mang tính chiến lược nhằm hỗ trợ các công ty quản lý rủi ro về môi trường. (luatminhkhue .vn)

Điều 130.Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định “đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường”

Chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất lớn quy định tại Cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Cột 3 Phụ lục II: DANH MỤC LOẠI HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CAO:

I. MỨC I

1. Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại: Từ 200.000 tấn quặng làm nguyên liệu đầu vào/năm trở lên.

Sản xuất thủy tinh (trừ loại hình sử dụng nhiên liệu khí, dầu DO): Từ 200.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

2. Sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu): Từ 300.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

3. Sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc từ sinh khối: Từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

4. Sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón hóa học (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), hóa chất bảo vệ thực vật (trừ phối trộn, sang chiết): Từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

5. Sản xuất vải, sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm, giặt mài hoặc nấu sợi): Từ 50.000.000 m2/năm trở lên

6. Sản xuất da (có công đoạn thuộc da); thuộc da: Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

7. Khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên: Tất cả.

Lọc, hóa dầu: Từ 1.000.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

8. Nhiệt điện than: Từ 600 MW trở lên.

Sản xuất than cốc: Từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Khí hóa than: Từ 50.000 m3 khí/giờ trở lên

II. MỨC II

9. Tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Từ 500 tấn/ngày trở lên

Tái chế, xử lý chất thải nguy hại; phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: Tất cả

10. Mạ có công đoạn làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất: Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

11. Sản xuất pin, ắc quy: Từ 600 tấn sản phẩm hoặc 200.000 KWh/năm trở lên

12. Sản xuất xi măng: Từ 1.200.000 tấn/năm trở lên

III. MỨC III

13. Chế biến mủ cao su. Từ 15.000 tấn/năm trở lên

14. Sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt: Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Sản xuất bia, nước giải khát có gas: Từ 30 triệu lít sản phẩm/năm trở lên

Sản xuất cồn công nghiệp: Từ 02 triệu lít sản phẩm/năm trở lên

15. Sản xuất đường từ mía: Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

16. Chế biến thủy, hải sản: Từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

Giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp: Từ 1.000 gia súc/ngày hoặc từ 10.000 gia cầm/ngày trở lên

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp: Từ 1.000 đơn vị vật nuôi trở lên

17. Sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử: Từ 01 triệu thiết bị, linh kiện/năm hoặc 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên